Thị trường văn phòng cho thuê Hà Nội đang 'lệch pha'
Diện tích văn phòng trống tại Hà Nội hiện khoảng hơn 10%, người đi tìm thuê rất nhiều. Tuy nhiên, cung cầu không thể gặp nhau do một bên không chịu hạ giá còn một bên không thể nâng giá thuê vì khó khăn.
Chị Thu Lê, nhân viên hành chính của một công ty truyền thông đang đi tìm thuê khoảng 500-600 m2 văn phòng với mức 20 USD một m2. Một tòa nhà trên đường Kim Mã báo giá cho chị 18 USD++ (chưa kèm thuế và phí dịch vụ), chị khấp khởi mừng thầm. Nhưng thực chất, giá của khu văn phòng phải lên tới 25 USD. Đó là chưa kể phí cho mỗi ôtô hằng tháng là 80 USD và 8 USD cho một xe máy. "Giá quá đắt trong khi chất lượng quá tồi. Ngoài ra, diện tích theo yêu cầu không được đáp ứng. Cả công ty sẽ bị xé lẻ, mỗi phòng một tầng. Chỗ để xe cũng rất chật chội", chị Lê nói.
Nguồn cung văn phòng cuối năm nay khoảng 200.000 m2 . Ảnh: Hoàng Hà |
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu tương tự như của công ty chị Lê đang rất phổ biến trên thị trường hiện nay, chỉ thuê với giá 20-22 USD mỗi m2, nhưng luôn mong muốn vào ở những tòa nhà có hệ thống dịch vụ hoàn thiện. Hầu hết khách hàng đều cho rằng tình hình thị trường khó khăn, họ có thể "ép" bên cho thuê để có được mức giá thấp nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, những khu văn phòng như vậy, đều được "hét" không dưới 35 USD, hầu như không hạ so với cách đây 1 năm, thậm chí có nơi còn tăng, dù diện tích trống vẫn còn rất nhiều.
Ông Phạm Đức Toàn, Giám đốc Công ty Bất động sản EZ Việt Nam, cho hay, công ty ông từng bối rối trước đòi hỏi “cành cao” của khách hàng. Đang thuê yên ổn tại một vị trí đắc địa ở quận Hai Bà Trưng, khách hàng yêu cầu chuyển địa điểm sang quận Hoàn Kiếm, diện tích tăng từ 60 m2 lên 100 m2 nhưng giá lại thấp hơn nơi cũ. "Với yêu cầu khắt khe như thế, làm sao chúng tôi xử lý được", ông Toàn nói.
Theo số liệu thống kê của Công ty Tư vấn Bất động sản Savills, do khủng hoảng kinh tế, nhiều dự án bị đình trệ nhưng cho tới cuối năm 2009, Hà Nội sẽ có gần 200.000 m2 văn phòng mới, chủ yếu hạng B và C. Thậm chí, trong vòng 3 năm nữa, nguồn cung này có thể lên đến 1,1 triệu m2. Ngoài ra, do khủng hoảng kinh tế, trước đây, nhiều công ty sẵn sàng bỏ ra 10.000 USD mỗi tháng để có khoảng 300 đến 400 m2. Nhưng hiện nay, họ phải thu hẹp cả diện tích và hầu bao, chỉ thuê với diện tích bằng một nửa, khiến nguồn cung càng dồi dào.
Nguồn cung lớn, cầu cũng không nhỏ nhưng thị trường văn phòng cho thuê Hà Nội vẫn rơi vào tình trạng "lệch pha". Nếu tại TP HCM, nhiều tòa nhà văn phòng đã mạnh tay giảm giá tới 50%, thậm chí có những văn phòng hạng A chỉ còn 40-50 USD để lấp đầy được diện tích cho thuê thì tại thị trường Hà Nội, dù nguồn cung thừa nhiều, các chủ đầu tư vẫn cương quyết giữ giá hoặc chỉ giảm ở một mức nhất định, không quá 20%.
Theo một số chuyên gia bất động sản, lý do cơ bản bởi văn hóa kinh doanh của từng vùng miền khác nhau. Ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, vì tâm lý "ăn chắc mặc bền" nên các chủ tòa nhà không dám đưa ra những quyết định giảm giá táo bạo. Khu văn phòng đúng tiêu chuẩn hạng B vị trí đẹp ở trung tâm Hà Nội hay những tuyến đường thuận lợi vẫn đều có giá xấp xỉ 40 USD một m2. Các khu văn phòng hạng C ở Mai Hắc Đế, Lê Đại Hành, Phạm Hùng, Nguyễn Phong Sắc kéo dài... cũng chỉ giảm từ 3 đến 5 USD mỗi m2.
Một lý do khác khiến người mua và bán không đi đến thỏa thuận cuối cùng còn bởi nguồn cung ảo do chính các nhà môi giới tạo ra. Thông thường, chủ đầu tư có văn phòng cho thuê thường "bắn" tín hiệu cho vài môi giới. Những môi giới này lại liên hệ với nhiều chủ nhà cho thuê, và không ít "mối" bị trùng nhau. Điều này dẫn đến một thực tế, chủ đầu tư vẫn thấy nhu cầu lớn, cương quyết không giảm giá. Trong khi đó, người đi thuê biết thị trường khó khăn nên liên tục gây sức ép để nhà đầu tư hạ giá.
Một chuyên gia khác cho rằng nguyên nhân sâu xa cũng bởi thị trường bất động sản của Việt Nam còn ở tình trạng manh nha. "Ở nước ngoài, chẳng hạn như tại Australia hay New Zealand, khi đã chuyên nghiệp, việc mua bán thuê, cho thuê thông thường độc quyền cho một môi giới. Như vậy, nhà môi giới chuyên tâm và có trách nhiệm vào dự án hơn", vị chuyên gia này nhận định.
Ông Đào Mạnh, Giám đốc kinh doanh trung tâm bất động sản chuyên cho người nước ngoài thuê Golden Ant, cho rằng, trong thời buổi hiện nay, các công ty vừa và nhỏ nên chuyển sang xu hướng thuê các khu văn phòng hạng B hoặc C sau đó đầu tư nội thất, thang máy... thì mới có cơ hội đáp ứng được yêu cầu. Các hộ thuê nhỏ lẻ như là tổ chức phi chính phủ, hoặc cá nhân sẵn sàng thuê nhà dân cải tạo ở các khu Tây Hồ, Tô Ngọc Vân, Nghi Tàm với mức bình dân từ 700 đến 1.000 USD để làm văn phòng. "Việc sử dụng các căn hộ chung cư đang là một giải pháp thiết yếu trong thời kỳ khủng hoảng giúp cá nhân và doanh nghiệp giảm thiểu chi phí", ông Đào Mạnh nói.
Tâm Anh - Hoàng Lan
Nguon: vnexpress.net